Sự kiện Cách_mạng_Quyền_lực_Nhân_dân

Phần của một loạt bài về
Cách mạng
Ví dụ
Chủ đề Chính trị

Đảo chính nửa chừng

Trước các sai phạm bầu cử rõ ràng, Phong trào Cải cách Lực lượng Vũ trang khở xướng một âm mưu đảo chính Marcos. Kế hoạch ban đầu là để một đội tấn công Cung điện Malacañan và bắt giữ Ferdinand Marcos. Các đơn vị quân sự khác sẽ chiếm giữ các hạ tầng chiến lược trọng yếu, như sân bay, căn cứ quân sự, hay các giao lộ chính nhằm hạn chế binh sĩ thân Marcos phản công. Gregorio Honasan lãnh đạo đội quân chuẩn bị tấn công Cung điện Malacañan.

Tuy nhiên, sau khi Marcos biết về âm mưu, ông ra lệnh bắt giữ những người đứng đầu,[45] và đưa ra trước báo chí quốc tế và địa phương một số người lập mưu bị bắt giữ, Thiếu tá Saulito Aromin và Thiếu tá Edgardo Doromal.[46]

Bị đe dọa sẽ bị tống giam, Bộ trưởng Quốc phòng Enrile và những người đồng mưu quyết định yêu cầu giúp đỡ từ Phó Tổng tham mưu trưởng là Trung tướng Fidel Ramos, cũng là người đứng đầu Cảnh sát Philippines. Ramos đồng ý từ chức và ủng hộ những người lập mưu. Enrile cũng tiếp xúc với Tổng giám mục Manila Jaime Sin có ảnh hưởng lớn nhằm tìm kiếm ủng hộ.

Vào lúc 6:30 tối ngày 22 tháng 2, Enrile và Ramos tổ chức họp báo tại Trại Aguinaldo, tại đó họ tuyên bố rằng mình từ bỏ các chức vụ trong nội các của Marcos và đã rút lại ủng hộ cho chính phủ. Bản thân Marcos sau đó tiến hành họp báo riêng kêu gọi Enrile và Ramos đầu hàng, thúc giục họ "dừng trò ngu ngốc này."[47]

Sau khi Tổng giám mục Vidal chỉ trích kết quả gian lận bầu cử, một thông điệp được phát trên Đài phát thanh Veritas vào khoảng 9 giờ tối, Tổng giám mục Sin hô hào người Philippines tại thủ đô giúp đỡ các thủ lĩnh nổi loạn bằng cách đi đến phần đường EDSA giữa Trại Crame và Trại Aguinaldo và thể hiện hỗ trợ về tình cảm, thực phẩm và tiếp tế khác. Đối với nhiều người đây dường như là một quyết định không thận trọng do thường dân không thể tránh khỏi việc bị quân đọi chính phủ giải tán. Nhiều người vẫn kéo đến EDSA, đặc biệt là linh mục và nữ tu.[47]

Đài phát thanh Veritas đóng một vai trò quyết định trong khởi nghĩa quần chúng. Cựu Chủ tịch Đại học Philippines Francisco Nemenzo nói rằng: "Không có Đài phát thanh Veritas, thì sẽ khó khăn và thậm chí là không thể huy động hàng triệu người trong khoảng vài giờ." Tương tự, một số tường thuật về sự kiện nói rằng: "Đài phát thanh Veritas trên thực tế là dây rốn của chúng tôi để cho bất kỳ điều gì khác diễn ra."[48]

Quần chúng tăng cường ủng hộ

Trong lúc cao điểm của cách mạng, ước tính có ba trăm đến năm trăm nghìn người lấp kín một đoàn dài đại lộ EDSA.

Bình minh Chủ Nhật, binh sĩ chính phủ đến phá dỡ máy phát chính của Đài phát thanh Veritas, cắt chương trình phát đến người dân tại các tỉnh. Đài chuyển sang một máy phát dự phòng có quy mô phát sóng hạn chế.[48] Đài trở thành mục tiêu do nó tỏ ra là một công cụ thông tin có giá trị đối với những người ủng hộ lực lượng chống đối, cho họ thông tin về di chuyển của binh sĩ chính phủ và chuyển tiếp các thỉnh cầu về thực phẩm, dược phẩm, và đồ tiếp tế.[47]

Nhân dân vẫn đổ ra đại lộ EDSA và cuối cùng quy mô lên đến hàng trăm nghìn người không vũ trang. Tâm trạng trên đường phố thực sự rất đình đám, nhiều người đưa theo cả gia đình. Những người biểu diễn giải trí cho đám đông, các nữ tu và linh mục dẫn đầu các buổi cầu nguyện, và người dân đặt các chướng ngại vật và các bao cát, cây và xe cộ tạm thời tại một số địa điểm dọc đại lộ EDSA và các phố giao cắt như Santolan và Ortigas. Người dân khắp nơi nghe Đài phát thanh Veritas bằng máy thu thanh của họ. Một số nhóm hát Bayan Ko (quê tôi),[49] là bài ca ái quốc của phái đối lập từ 1980. Mọi người thường xuyên thể hiện ký hiệu 'LABAN',[50] là một chữ "L" tạo thành từ ngón cái và ngón trỏ. 'Laban' là một từ trong tiếng Tagalog nghĩa là 'đấu tranh', song cũng là viết tắt của Lakas ng Bayan, tức đảng của Ninoy Aquino.

Sau bữa trưa ngày 23 tháng 2, Enrile và Ramos quyết định củng cố vị trí của họ. Enrile vượt đại lộ EDSA từ Trại Aguinaldo đến Trại Crame trong tiếng hoan hô của đám sông.[47]

Đến giữa buổi chiều, Đài phát thanh Veritas chuyển tiếp các báo cáo về việc thủy quân lục chiến tập trung gần các trại tại phía đông và các xe tăng LVT-5 đang tiến đến gần từ phía bắc và phía nam. Đạo quân thủy quân lục chiến có xe tăng và xe bọc thép dừng lại dọc Đại lộ Ortigas, khoảng 2 km từ các trại, với hàng chục nghìn người.[51] Các nữ tu cầm chuỗi tràng hạt quỳ trước xe tăng và mọi người nam nữ nối tay nhau để ngăn binh sĩ.[52] Chuẩn tướng Artemio Tadiar yêu cầu đám đông tránh ra, song họ không nhúc nhích. Cuối cùng, các binh sĩ rút lui mà không nổ súng.[47]

Đến tối, máy phát dự phòng của Đài phát thanh Veritas bị hỏng. Ngay sau nửa đêm, các nhân viên có thể đi đến một trạm khác để bắt đầu phát sóng từ một địa điểm bí mật với biệt danh "Radyo Bandido" (Đài cấm, nay là DZRJ-AM). June Keithley cùng với Angelo Castro, Jr. là các phát thanh viên liên tục trên Đài phát thanh Veritas trong suốt đêm và các ngày còn lại.[47]

Tiếp tục đào tẩu quân sự

Bình minh ngày Thứ Hai, 24 tháng 2, xảy ra cuộc chạm trán nghiêm trọng đầu tiên giữa với các binh sĩ chính phủ. Thủy quân lục chiến hành quân từ Libis, tại phía đông, bắn hơi cay vào những người kháng nghị khiến họ nhanh chóng giải tán. Khoảng 3.000 binh sĩ thủy quân lục chiến sau đó tiến vào và chiếm giữ phần phía đông của Trại Aguinaldo.[47]

Sau đó, các trực thăng của Không quân Philippines dưới quyền Thượng tá Antonio Sotelo được lệnh từ Sangley Point tại Cavite (về phía nam Manila) hướng đến Trại Crame.[53] Phi đội đã bí mật đào tẩu từ trước nên họ quay sang tấn công Trại Crame, đổ bộ lên đó và được đám đông hoan hô.[47]

Một chiếc trực thăng Bell 214 do thuộc Phi đội 205 và một chiếc máy bay Sikorsky S-76 của Phi đội đặc công 20 tham gia phiến quân từ trước đó. Việc có những chiếc trực thăng làm tăng chí khí của Enrile và Ramos, họ liên tục khuyến khích các đồng đội tham gia phong trào đối lập.[47] Vào buổi chiều, Corazon Aquino đến căn cứ nơi Enrile, Ramos, các sĩ quan RAM và một đám đông đang chờ.[53]

Chiếm giữ kênh 4

Khoảng thời gian này, June Keithley nhận được báo cáo rằng Marcos đã rời Cung điện Malacañang và phát thanh tin này đến mọi người trên đại lộ EDSA. Đám đông liền tán dương và thậm chí là Ramos và Enrile đi từ Crame đến xuất hiện trước đám đông. Tuy nhiên niềm hân hoan kéo dài ngắn ngủi khi Marcos sau đó xuất hiện trên kênh truyền hình 4 do chính phủ kiểm soát,[54] (sử dụng hạ tầng tịch thu của ABS-CBN) tuyên bố rằng ông không từ chức. Sau đó người ta suy đoán rằng báo cáo sai sự thật là một động thái có tính toán chống lại Marcos để khuyến khích thêm việc đào tẩu.[47]

Trong khi phát sóng điều này, Kênh 4 đột nhiên mất sóng. Một đạo quân của phiến quân dưới quyền Thượng tá Mariano Santiago đã chiếm được đài. Kênh 4 phát sóng trở lại sau buổi trưa, khi Orly Punzalan tuyên bố trên truyền hình trực tế là "Kênh 4 lại lên sóng để phục vụ nhân dân." Đến lúc này, đám đông tại đại lộ EDSA đã tăng lên hơn một triệu. (Một số ước tính cho là hai triệu.)[47]

Việc phát sóng này được nhìn nhận là "sự trở lại" của ABS-CBN trên sóng truyền hình do là thời điểm các cựu nhân viên của ABS-CBN vào trong tổ hợp sau 14 đóng cửa từ khi Marcos chiếm giữ đài theo Thiết quân luật 1972. Đài Phát thanh Bandido kết thúc phát sóng chiều hôm đó, trong khi Đài Phát thanh Veritas khôi phục truyền dẫn, lần này là từ xưởng phát thanh của Trung tâm Phát thanh-Truyền hình ABS-CBN.

Đến cuối buổi chiều, máy bay trực thăng của phiến quân tấn công Sân bay Villamor, phá hủy khu vực hàng không cho tổng thống. Một chiếc máy bay trực thăng khác bay đến Malacañang, bắn một tên lửa gây thiệt hại nhỏ. Sau đó, hầu hết sĩ quan vốn tốt nghiệp từ Học viện Quân sự Philippines (PMA) đào tẩu. Đa số lực lượng vũ trang đã đổi phe.[47]

Hai lễ nhậm chức

Corazon Aquino nhậm chức tổng thống Philippines vào ngày 25 tháng 2 năm 1986 tại Sampaguita Hall (nay là Kalayaan Hall).

Vào sáng Thứ Ba, ngày 25 tháng 2, vào khoảng 7 giờ sáng, một xung đột nhỏ diễn ra giữa các binh sĩ chính phủ trung thành và những người cải cách. Các tay súng bắn tỉa đóng trên đỉnh tòa tháp Kênh 9 do chính phủ kiểm soát, gần Kênh 4, bắt đầu bắn vào những người cải cách. Nhiều binh sĩ phiến quân xông đến đài,[47] và một máy bay trực thăng S-76 của phiến quân sau đó bắn các tay súng bắn tỏa trên tháp truyền hình. Các binh sĩ rời đi sau khi một chiếc V-150 bị đám đông tụ tập chặn lại.

Cũng trong sáng hôm đó, Corazon Aquino nhậm chức làm tổng thống của Philippines trong một buổi lễ đơn giản tại Club Filipino[55] tại Greenhills, cách khoảng một km từ Trại Crame. Bà tuyên thệ cùng với Phó Tổng thống Laurel. Người giữ cuốn Kinh Thánh mà Aquino đọc tuyên thệ là Aurora Aquino, mẹ của Ninoy Aquino. Tham dự buổi lễ có Ramos, người về sau được thăng làm tướng, Enrile, và các chính trị gia khác.[47]

Bên ngoài Club Filipino, tất cả đường đến EDSA, hàng trăm người hoan hô và ca tụng. Bayan Ko (Nước tôi, một bài hát dân gian phổ biến và là quốc ca phi chính thức của cuộc kháng nghị) được hát lên sau khi Aquino tuyên thệ. Nhiều người mặc áo vàng, là màu chiến dịch tranh cử tổng thống của Aquino.

Một tiếng sau đó, Marcos tổ chức nhậm chức tại Cung điện Malacañang. Các thường dân trung thành tập trung tại buổi lễ, reo hò "Marcos, Marcos, Marcos pa rin! (Marcos, Marcos, vẫn là Marcos!)". Trên ban công Cung điện, Marcos tiến hành tuyên thệ nhậm chức, được phát sóng trên IBC-13 và GMA-7.[47] Không có quan chức ngoại quốc được mời nào đến dự buổi lễ, vì lý do an ninh. Vợ chồng Marcos cuối cùng xuất hiện tại ban công trước 3.000 người trung thành đang reo lên "Bắt lấy lũ rắn!"[56] Việc phát sóng sự kiện bị gián đoạn do phiến quân chiếm giữ thành công các đài khác.[47]

Đến lúc này, hàng trăm người đã tập hợp tại các chướng ngại vật dọc phố Mendiola, chỉ cách một trăm mét từ Malacañang. Họ bị các binh sĩ chính phủ trung thành ngăn chặn đột kích cung điện. Những người kháng nghị giận dữ được các linh mục hạ nhiệt bằng cánh báo không dùng bạo lực.[47]

Marcos lưu vong

Lúc 3:00  chiều (EST) ngày Thứ Hai, Tổng thống Marcos gọi điện cho Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Paul Laxalt,[56] thình cầu khuyến nghị từ Nhà Trắng. Laxalt khuyến nghị ông rằng "chuồn và chuồn ngay",[57] Marcos biểu thị thất vọng sau một lúc tạm ngừng. Đến chiều, Marcos nói với Enrile, yêu cầu hành lang an toàn cho ông, gia đình và đồng minh thân cận như Tướng Ver.

Đến nửa đêm giờ địa phương, gia đình Marcos lên một chiếc máy bay trực thăng HH-3E Rescue của Không lực Hoa Kỳ[6] và bay đến Căn cứ Không quân Clark thuộc Thành phố Angeles cách 83 km về phía bắc của Manila.

Tại Căn cứ Không quân Clark, Marcos yêu cầu giành vài ngày với gia đình tại tỉnh nhà Ilocos Norte. Aquino bác bỏ yêu cầu. Tổng thống Reagan chế nhạo riêng tư Cory Aquino về việc từ chối cho Marcos nhìn tỉnh quê hương lần cuối cùng.[58]

Đệ nhất gia đình bị phế truất và người giúp việc của họ sau đó đi trên các máy bay DC-9 MedivacC-141B của Không lực Hoa Kỳ đến Căn cứ Không quân Andersen tại Guam, rồi đến Căn cứ Không quân Hickam tại Hawaii, là điểm đến cuối cùng của Marcos vào ngày 26 tháng 2. Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp tư liệu rằng họ đến Hoa Kỳ cùng hàng triệu dollar kim cương, vàng, cổ phiếu và tiền mặt [7][47]

Khi tin tức gia đình Marcos đi lưu vong đến với quần chúng, nhiều người vui mừng và nhảy múa trên đường phố. Trên phố Mendiola, những người kháng nghị xông vào Cung điện, là nơi đóng cửa với thường dân trong vòng một thập niên trước đó. Mặc dù một số người biểu tình giận dữ có hành vi cướp phá, song đa số đi lang thang qua các phòng, nhìn các đồ vật phung phí và trần tục mà gia tộc Marcos và chính quyền của họ để lại.[cần dẫn nguồn]

Tại các quốc gia khác, người dân cũng vui mừng và chúc mừng những người Philippines mà họ biết. Bob Simon của CBS tường thuật: “Người Mỹ chúng tôi thích cho rằng mình dạy cho người Philippines về dân chủ. Vâng, tối nay họ đang dạy cho thế giới.” [47]

Một số tác giả nói rằng Marcos đã ngăn chặn nội chiến tương tự như Nội chiến Syria bằng việc từ chối sử dụng súng bất chấp ý kiến của các tướng lĩnh cấp cao, và bằng việc chấp thuận từ chức trong cách mạng EDSA.[59][60] Nhà Trắng nói rằng "Bằng việc dời Philippines tại một thời điểm nguy cấp trong lịch sử quốc gia mình, Ngài Marcos đã cho phép chuyển đổi hòa bình đến nền cai trị của nhân dân, dân chủ."[61]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cách_mạng_Quyền_lực_Nhân_dân http://www.ualberta.ca/~vmitchel/fw9.html http://www.abs-cbnnews.com/storypage.aspx?StoryId=... //www.amazon.com/dp/B0000EEE8J http://asianjournalusa.com/max-soliven-recalls-nin... http://findarticles.com/p/articles/mi_m1079/is_v86... http://www.gmanetwork.com/news/story/198820/news/s... http://www.informaworld.com/smpp/content~content=a... http://manilastandardtoday.com/opinion/columns/bac... http://manilastandardtoday.com/opinion/columns/vir... http://www.oup.com/uk/catalogue/?ci=9780199552016